Tháng 12/2021, Bộ Nông nghiệp & PTNT và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hỗ trợ kỹ thuật để kiểm soát Dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Một trong những mục tiêu của Biên bản ghi nhớ là thực hiện Chương trình “Chuỗi cơ sở an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh (compartmentalization) ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Chương trình) nhằm hỗ trợ đàm phán tiếp cận thị trường xuất khẩu đối với lợn xuất thịt và thịt lợn của Việt Nam. Chương trình là một khung hợp tác công-tư đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH, trước đây là OIE) và do đó sẽ được công nhận theo Hiệp định Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTA).
1. Các quy trình an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh được áp dụng đối với ngành chăn nuôi lợn công nghiệp nhằm hỗ trợ xây dựng các cơ sở, chuỗi cơ sở, vùng chăn nuôi lợn sạch bệnh đối với các bệnh mục tiêu (Lở mồm Long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Dịch tả lợn, bệnh Tai xanh/hội chứng Rối loạn Sinh sản và Hô hấp).
2. Các quy trình an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh được biên soạn trong tài liệu mẫu của Chương trình phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và được các đối tác thương mại công nhận.
3. Ngành chăn nuôi lợn công nghiệp của Việt Nam có thể tự duy trì và tổ chức và vận hành nhóm đối tác công-tư về kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo thị trường.
Trong giai đoạn thực hiện thí điểm thiết lập chuỗi cơ sở ATSH và KSDB, các đối tác thuộc khu vực tư nhân sẽ phát triển và sử dụng phương pháp tiếp cận đã được tiêu chuẩn hóa để quản lý rủi ro an toàn sinh học cho các quần thể lợn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi của doanh nghiệp, là cơ sở để được cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Khu vực công, cụ thể là Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y (Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh, Chi cục Thú y vùng) sẽ giám sát chương trình thông qua các cuộc khảo sát, kiểm tra, đánh giá. Khi được áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế, các cơ sở/chuỗi cơ sở chăn nuôi ATSH và KSDB có thể được các đối tác thương mại nước ngoài công nhận, tạo ra cơ hội mở cửa thị trường đối với xuất khẩu lợn sống và các sản phẩm từ lợn (thịt lợn, tinh lợn) của Việt Nam.
Hình 1. Khung logic của Chương trình
Hình 2. Vai trò và trách nhiệm của các Bên trong Chương trình
Nhóm dự án IFC đã hợp tác với Nhóm công tác chuyên trách (Task force) của Bộ Nông nghiệp & PTNT thiết kế Chương trình. Thông qua các đánh giá dịch tễ học về dịch bệnh và phân tích rủi ro ngành chăn nuôi lợn Việt Nam, IFC và các Bên liên quan đã xác định 4 bệnh mục tiêu gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi lợn và có thể hạn chế cơ hội thương mại của thịt lợn Việt Nam trên thị trường quốc tế, bao gồm: Dịch tả lợn Châu Phi (ASF), Lở mồm Long móng (FMD), dịch tả lợn Cổ điển (CSF, còn được gọi là Dịch tả lợn), và Hội chứng Rối loạn Sinh sản và Hô hấp ở lợn (PRRS, còn được gọi là bệnh lợn Tai xanh). Tài liệu “Kế hoạch Hoạt động và Mẫu Sổ tay An toàn Sinh học” (mô tả các quy tắc của Chương trình) đã được biên soạn nhằm diễn giải các tiêu chuẩn và hướng dẫn của của Tổ chức Thú y Thế giới thành một tài liệu kĩ thuật quan trọng của Chương trình. Trên cơ sở tham khảo tài liệu “Kế hoạch Hoạt động và Mẫu Sổ tay An toàn Sinh học” của Chương trình, các công ty tham gia sẽ vận dụng để xây dựng “Sổ tay ATSH và KSDB” của Công ty áp dụng cho chuỗi cơ sở, phù hợp với các yêu cầu của Chương trình. Tổ công tác công - tư, bao gồm đại diện của Bộ Nông nghiệp & PTNT, IFC và các Công ty tham gia, đã được thành lập vào ngày 21/10/ 2022 với vai trò giám sát và định hướng chiến lược cho Chương trình.
Tính đến hết tháng 4/2024, có 7 công ty chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp (Masan Meatlife, De Heus, Amafarm, BaF, Dabaco, GreenFeed và Japfa Việt Nam) đã đăng ký tham gia thực hiện thí điểm nguyên mẫu “Chuỗi cơ sở chăn nuôi ATSH và KSDB” theo tiêu chuẩn quốc tế của WOAH/OỈE đầu tiên tại Việt Nam. Các công ty tham gia hiện đều đang vận hành hệ thống trại/cơ sở chăn nuôi ở mức an toàn sinh học rất cao và tự tin vào khả năng duy trì vận hành hệ thống chăn nuôi lợn sạch bệnh. Các công ty tự lựa chọn địa điểm chăn nuôi và chế biến của họ để đưa vào Chương trình xây dựng chuỗi cơ sở và được khuyến khích lập kế hoạch đưa quy trình ATSH và KSDB vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh (sản xuất lợn sống, tinh lợn hoặc thịt lợn cho xuất khẩu). Tổ Công tác công - tư sẽ xem xét, đánh giá tiến trình thực hiện Chương trình hàng năm và có thể cập nhật, điều chỉnh các quy định của Chương trình nếu cần thiết. Sau giai đoạn thí điểm và mở rộng phạm vị áp dụng, Chương trình được kì vọng sẽ trở thành Chương trình quốc gia chăn nuôi ATSH và KSDB dành cho tất cả các công ty chăn nuôi lơn ở Việt Nam có đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu cao về ATSH và KSDB và quan tâm đến các cơ hội xuất khẩu lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.
Để đạt được thành công trong phát triển thị trường từ kết quả của Chương trình, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân. Các cuộc đàm phán SPS để tiếp cận và mở của thị trường đối với lợn sống và các sản phẩm từ lợn của Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Các nước nhập khẩu có nghĩa vụ công nhận các tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng có quyền đặt ra thêm các yêu cầu cụ thể riêng nếu có cơ sở khoa học. Việc liên tục điều chỉnh, cập nhật, bổ sung các quy định của Chương trình cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại cơ hội tốt cho các phân khu chăn nuôi lợn ATSH và KSDB được các đối tác thương mại công nhận là tương đương với các yêu cầu an toàn sinh học và sạch bênh của họ, ít nhất là đối với bốn bệnh mục tiêu.
Nhóm dự án IFC đã và đang tổ chức giới thiệu, tập huấn về nội dung kĩ thuật của Chương trình cho các công ty, các phòng xét nghiệm (đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán) và các Chi cục Thú y vùng (đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc đánh giá xác minh độc lập, đối với các trang trại chăn nuôi của các Công ty đăng ký tham gia Chương trình trên địa bàn quản lý của Chi cục). Nhóm dự án IFC sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhóm công tác chuyên trách của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Tổ công tác đối tác công tư để triển khai Chương trình hiệu quả, thành công và đạt được các mục tiêu đề ra.